Bối cảnh Đội Con Nai (OSS)

Vấn đề tình báo ở Đông Dương

Thiếu tướng Claire L. Chennault, chỉ huy trưởng Không lực 14 Không lực Lục quân Hoa Kỳ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai

Hơn hai tháng sau khi Pháp thất thủ ở châu Âu, sự kiểm soát của Pháp đối với Việt Nam dần bị lung lay. Ngày 22 tháng 6 năm 1940, quân đội Nhật Bản xâm lược miền Bắc Đông Dương dưới danh nghĩa được người Pháp "chuẩn thuận," nhưng trên thực tế là do người Pháp không còn đủ khả năng chống trả. Ngày 29 tháng 7 năm 1941, Pháp và Nhật ký Hiệp ước phòng thủ chung Đông Dương, cho phép quân đội Nhật Bản sử dụng gần như toàn bộ các sân bay và cảng biển quan trọng tại Đông Dương và chính thức công nhận sự hiện diện của người Nhật tại khu vực.[2] Tuy nhiên, mùa hè năm 1944, sau khi Pháp được quân Đồng Minh giải phóng, một số người Pháp theo phe De Gaulle tại các vùng của Việt Nam ở Đông Dương bắt đầu tìm cách cung cấp tin tức tình báo cho tổng hành dinh lực lượng Đồng minh ở Côn Minh.[3][4]

Côn Minh, một thành phố ở phía tây nam Trung Quốc, là căn cứ của Không lực 14 do Thiếu tướng Claire Chennault làm chỉ huy trưởng, đã bắt đầu thực hiện các phi vụ ném bom đánh phá các tuyến giao thông và tiếp tế của quân đội Nhật ở Đông Dương. Thành công của các cuộc tiến công ném bom này phụ thuộc vào các báo cáo thời tiết chính xác từ bên trong Đông Dương, cũng như thông tin tình báo về các hoạt động chuyển quân, căn cứ và kho tàng của Nhật. Ngoài ra, một mạng lưới tình báo ở Đông Dương cũng rất cần thiết để giải cứu các phi công Mỹ khi máy bay bị bắn hạ hoặc rơi, che giấu họ khỏi quân Nhật, và nếu có thể, đưa họ ra khỏi Đông Dương trở về Trung Quốc.[5]

Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ (tiền thân của Cơ quan Tình báo Trung ương[6]) đã tham gia các hoạt động thu thập thông tin này từ Côn Minh từ năm 1942, thông qua một mạng lưới tình báo gọi là GBT, làm việc ở miền nam Trung Quốc gần khu vực biên giới Trung - Việt, và sử dụng mạng lưới trong các cơ sở kinh doanh Pháp của họ ở Đông Dương.[Ghi chú 1] Không lực 14 liên tục nhận được những thông tin quý giá từ GBT và đánh giá cao mạng lưới của họ. Đại tá Jesse Williams của Không lực 14 cho rằng GBT "đã gửi về những thông tin tốt nhất từ Đông Dương."[5]. Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính lật đổ chính quyền Pháp ở Đông Dương, tuyên bố Việt Nam "độc lập." Do hầu hết người Pháp bị cầm tù nên nguồn thông tin tình báo quý giá từ bên trong Đông Dương đến quân Đồng minh ở Côn Minh đã cạn kiệt. OSS nhận thấy cần tìm cách tổ chức thu thập các thông tin tình báo đáng tin cậy từ những người Việt Nam chống Nhật.[3]

Rudolph Shaw và sự hợp tác đầu tiên

Chương trình Việt Minh

Ngày 11 tháng 11 năm 1944, Trung úy Rudolph "Rudy" Shaw, một phi công thuộc Phi đoàn Tiêm kích 51 của Không lực 14, có căn cứ đặt tại vùng Hoa Nam, Trung Quốc, phải nhảy dù xuống địa phận Cao Bằng sau khi máy bay của ông gặp trục trặc về động cơ. Cán bộ Việt Minh đầu tiên mà Shaw gặp không biết tiếng Anh, tuy nhiên bằng cử chỉ người ấy đã dẫn Shaw đến phòng làm việc của một cán bộ Việt Minh khác tên là Phạm Văn Đồng tại vùng Nước Hai.[8] Mười ngày sau, Shaw nhận được lá thư từ Uỷ ban Trung ương Việt Minh chào mừng Shaw và thông báo "chúng tôi đã ra lệnh cho Căn cứ địa của chúng tôi tại Cao Bằng tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng của ngài và hộ tống ngài ra biên giới Bắc Kỳ - Trung Quốc," đồng thời đề nghị Shaw giúp xây dựng tình hữu nghị vững mạnh giữa Hoa Kỳ và Việt Minh. Vài ngày sau, Shaw được Phạm Văn Đồng đưa đến gặp "một nhà ái quốc nói tiếng Anh." Người đó là Hồ Chí Minh và lần đầu tiên sau hơn hai tuần, Shaw mới được nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Hồ Chí Minh đã tặng Shaw một bản Chương trình Việt Minh đã được Hồ Chí Minh dịch ra tiếng Anh. Đến tháng 12 năm 1945, Shaw được Việt Minh đưa về Côn Minh an toàn,[9]

Tháng 12, những người bạn Đông Dương đưa tôi trở về Trung Quốc. Trước khi chia tay, họ dặn đi dặn lại tôi phải gửi lời chào tốt đẹp nhất của họ tới quân đội và nhân dân Mỹ. Lần bắt tay cuối cùng họ hô to "Hoa Kỳ muôn năm! Roosevelt muôn năm! Tướng Chennault muôn năm!", và tôi hô to đáp lại, "Đông Dương muôn năm! Việt Minh muôn năm!" Tôi rất vui khi được quay trở lại và kể với đất nước tôi và những đồng minh của nó về tình hình thực tế tại Đông Dương.[10]

Sau buổi bàn bạc với Chenault, Giám đốc Cơ quan Tình báo Chiến lược Hoa Kỳ, Thiếu tướng William J. Donovan, đã "bật đèn xanh" cho các chiến dịch của OSS và GBT tại Đông Dương. Trung úy OSS Charles Fenn được giao nhiệm vụ duy trì liên lạc từ Côn Minh tới Việt Minh. Hồ Chí Minh nhanh chóng trở thành một đặc vụ dưới quyền của Fenn, có mật danh Lucius, và có nhiệm vụ cung cấp các thông tin tình báo ở Bắc Kỳ cho GBT và OSS thông qua Fenn.[11] Khi Hồ Chí Minh về nước, OSS đã cử hai chuyên viên của tổ chức GBT - sĩ quan tình báo người Mỹ gốc Hoa tên Frankie Tan và chuyên gia về điện đài Mac Shin, đi theo. Tháng 4 năm 1945, Hồ Chí Minh, Mac Shin và Frankie Tan được máy bay quân sự Mỹ đưa từ Côn Minh đến biên giới Trung Quốc - Việt Nam phía bắc Cao Bằng. Từ đó, cùng với các thành viên Việt Minh được chọn để huấn luyện tình báo và một nhóm nhân viên bảo vệ, họ bí mật vượt qua biên giới về Pắc Bó, căn cứ địa cách mạng. Để giữ bí mật, Frank Tan mang bí danh là Tam Xinh Shan và Mac Shin mang bí danh là Nguyễn Tư Tác. Sau đó, cả nhóm tiếp tục xuyên qua núi rừng Việt Bắc, tránh các đội tuần tra của quân Nhật, bám theo các cơ sở cách mạng, và tháng 5 năm 1945 tới căn cứ địa Tân Trào.[3]

Nhân dân xã Minh Thanh cùng bộ đội Việt Minh đang xây dựng sân bay dã chiến để tiếp nhận máy bay cỡ nhỏ của quân đội Đồng Minh ở khu vực thôn Đồng Đon, nay thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Ở Tân Trào, Mac Shin đã thiết lập và hằng ngày thực hiện một đến hai phiên liên lạc điện đài với Côn Minh. Ông đã báo cáo các thông tin về thời tiết, các cuộc chuyển quân của Nhật do mạng lưới trinh sát của Việt Minh thu thập được. Ngoài ra, ông cũng hướng dẫn một số cán bộ Việt Minh sử dụng điện đài. Giữa tháng 6 năm 1945, Trung úy Daniel "Dan" Phelan, một chuyên viên thuộc Lực lượng Hỗ trợ Không-bộ (Air Ground Aid Section - AGAS) của Không lực 14, được phân công nhảy dù xuống căn cứ địa Tân Trào để cùng lực lượng Việt Minh chuẩn bị về mặt hậu cần, trong đó có việc xây dựng một đường băng dã chiến nhỏ ở địa phận xã Minh Thanh, Tuyên Quang để tiếp nhận máy bay cỡ nhỏ của Đồng Minh hạ cánh tại Bắc Đông Dương.[3] Trước đó, Fenn đã gửi tin cảnh báo tới Phạm Văn Đồng rằng Phelan "có thiện cảm với người Pháp," "về cơ bản là kẻ thực dụng," nhưng "có thể thích nghi khi đã học được hoàn cảnh thực tế." Sau khi tiếp đất, Phelan được Frank Tan đón rồi đưa tới Tân Trào giới thiệu với Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và các cán bộ Việt Minh quanh căn cứ.[12][13] Trong suốt thời gian ở cùng Việt Minh, Phelan đã có một cái nhìn khác. Một tuần sau khi đến Tân Trào, Phelan gửi một bức điện về đại bản doanh GBT:

Các ngài đang hiểu lầm quan điểm của Việt Minh. Họ không chống Pháp mà chỉ là những người yêu nước, những người xứng đáng được tin tưởng và ủng hộ hoàn toàn.[12]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đội Con Nai (OSS) http://sknc.qdnd.vn/ho-so-tu-lieu/biet-doi-con-nai... https://www.amazon.com/Operation-Embankment-OSS-Co... https://www.historynet.com/ho-giap-and-oss-agent-h... https://www.historynet.com/how-american-operatives... https://www.cia.gov/readingroom/docs/CIA-RDP90-012... https://www.cia.gov/static/a0c34085dfe487b73cc90c8... https://www.nps.gov/articles/oss-in-action-the-pac... https://www.quansuvn.net/index.php?topic=2619.0 https://archive.org/details/osssecrethistory0000sm... https://archive.org/details/vietnamhistory00karn